Thật là đáng buồn nếu từ sáng đến tối, chúng ta không nói với nhau một lời nào mà chỉ cắm mặt vào chiếc Smartphone hay cái Laptop trước mặt. Dù có là hàng ngàn hình ảnh đẹp mắt, hàng vạn bản nhạc du dương, hàng trăm câu văn bay bổng cũng không bằng một lời nói ngọt ngào đi vào lòng người của dành cho mình. Đúng thế, lời nói hay bao giờ cũng đi kèm với tâm hồn trong sáng, suy nghĩ tích cực và hành động ý nghĩa. Để có được những lời nói đúng ngữ pháp, hay và ý nghĩa, thuyết phục người nghe, thì mỗi chúng ta phải sử dụng thành thạo và nắm rõ cách đặt câu, diễn đạt đúng ngữ pháp mà trong Tiếng Việt gọi là kết cấu C – V (chủ ngữ - vị ngữ).
Trong tiết chuyên đề Ngữ văn ngày 29 tháng 3 mà đồng chí Đàm Mai Hương thực hiện ở lớp 6A5 Bài 30 Tiết 120: Chữa lỗi về chủ ngữ và vị ngữ, các em học sinh đã hiểu và nắm rõ được tại sao khi nói và viết câu phải có đủ các thành phần chính chủ ngữ và vị ngữ? Các em tìm và phát hiện ra các lỗi câu sai , từ đó chỉ ra cách sửa chữa thành câu văn đúng. Nói đúng, viết đúng chưa đủ còn cần phải nói hay, viết giỏi. Qua tiết học, các em hiểu được rằng những lời nói tưởng rằng rất thân mật với bạn bè và người lớn bấy lâu nay của mình là những lời lẽ cộc lốc, thiếu thành phần, sai về cả ngữ pháp lẫn thái độ. Từ đó, các em đã rút ra được cách nói năng, diễn đạt cẩn trọng hơn, trau chuốt hơn, đầy đủ nội dung và đúng ngữ pháp.
Và điều đáng mừng hơn nữa là sau tiết học này, các em nhận ra rằng cần phải giao tiếp nhiều hơn với bạn bè, thầy cô, cha mẹ, người thân…hơn là những dòng tin nhắn không đầu không cuối, không dấu câu. Từ việc làm đơn giản là chữa lỗi chủ ngữ, vị ngữ, người học văn và dạy văn hiểu sâu sắc hơn giá trị của ngôn ngữ Tiếng Việt mà cha ông ta đã cố công gìn giữ qua bao nhiêu thế hệ. Dạy cho học sinh nói đúng, nói hay, nói cho phù hợp với từng đối tượng còn là thành công của mỗi nhà giáo trên con đường sự nghiệp “trồng người” cao cả này.