Thực hiện Kế hoạch liên tịch số 3493/HKLT-SGDĐT-CĐN ngày 11/10/2022 của Ban Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo và Ban thường vụ Công đoàn Giáo dục Hà Nội về việc triển khai Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo” lần thứ 6 năm 2022, Ban Tổ chức đã chấm cấp Thành phố Sơ khảo Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo”.
Thực hiện công văn số 69/CĐGD ngày 12 tháng 10 năm 2022 về việc xét chọn Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 6 năm 2022. Sáng ngày 25/10/2022 cô Phượng là một trong những cô giáo vinh dự được Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận Long Biên xét duyệt và lựa chọn tham gia hội thi chung khảo Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo lần thứ 6 năm 2022” do Sở Giáo dục và Đào tạo phố Hà Nội tổ chức.
Hà Nội tổ chức.
Trường THCS Gia Thụy – Quận Long Biên - một ngôi trường mới được 13 năm tuổi nhưng được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, nhiều năm liền, thầy và trò nhà trường luôn giữ vững thành tích đứng đầu Quận Long Biên về mọi mặt giáo dục. Có được thành tích ấy ngoài sự nỗ lực vươn lên của các em học sinh còn có đóng góp không nhỏ công lao của các thầy cô giáo. Một trong những thầy cô tâm huyết với nghề, có trình độ chuyên môn tay nghề vững vàng là cô giáo Nguyễn Thị Phượng - một cô giáo có dáng người nhỏ nhắn và nụ cười luôn nở trên môi mỗi khi đến lớp. Cô Phượng là giáo viên giảng dạy bộ môn Ngữ văn - Lịch sử ở trường THCS Gia Thụy. Trong trường, đồng nghiệp, học sinh đều khâm phục cô bởi lòng nhiệt tình, say mê nghề nghiệp, tinh thần phấn đấu vươn lên trong công tác, sự tận tình trong công tác giảng dạy cho bao thế hệ học sinh thân yêu trở thành những con người có ích trong xã hội. Chính sự say mê, nhiệt tình, sáng tạo và làm việc đầy tinh thần trách nhiệm cô đã được mọi người tin yêu, kính trọng…
Cô Nguyễn Thị Phượng là một Đảng viên, một giáo viên đã có 21 năm gắn bó với nghề giáo, 10 năm gắn bó với ngôi trường Gia Thụy. Trong thời gian công tác, cô luôn rèn luyện để có phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống gương mẫu. Đồng thời cô luôn có ý thức tự học, tự bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn để đáp ứng những yêu cầu đổi mới trong giáo dục. Đặc biệt với sự say mê với nghề, cô giáo nhỏ ấy luôn vươn lên khắc phục mọi khó khăn, được học sinh và đồng nghiệp tín nhiệm cao. Không chỉ hoàn thành tốt công việc chuyên môn, cô Phượng còn luôn giúp đỡ đồng nghiệp và học sinh, tham gia tích cực phong trào từ thiện nhân đạo.
Cô Phượng luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao và kết quả đã được nhà trường, các cấp, ngành ghi nhận:
- Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, CSTĐ cấp Thành phố.
- Giải Nhất và Giải Ba giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố
- 9 năm có Sáng kiến kinh nghiệm cấp Thành phố; 02 sáng kiến gần đây nhất được Hội đồng khoa học sáng kiến Thành phố công nhận.
Cô là bông hoa đời thường toả ngát hương dưới mái trường giàu truyền thống, là tấm gương sáng để mỗi giáo viên trong nhà trường học tập và noi theo. Thành tích mà cô đạt được hôm nay đã góp phần tích cực vào phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”; “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” của Phòng giáo dục và đào tạo Long Biên nói chung và của trường THCS Gia Thụy nói riêng.
Hình ảnh cô giáo Nguyễn Thị Phượng báo cáo tại Hội đồng xét duyệt
Theo lời Bác Hồ đã dạy
“Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Là 1 giáo viên dạy Lịch sử cấp THCS, đối tượng HS cô phụ trách, các con tập trung nhiều vào những môn chính như Toán, Văn, Tiếng Anh để thi vào cấp 3, môn Sử chỉ là môn phụ. Cô giáo rất trăn trở làm thế nào để học sinh yêu Sử? Giờ học Sử không mang tính chất nhồi nhét sự kiện, năm tháng. Câu hỏi ấy đã thôi thúc cô Nguyễn Thị Phượng có động lực đi tìm đến 3 giải pháp
đổi mới sáng tạo trong chuyên môn: dạy học dự án, xây dựng lớp học vui vẻ, lan tỏa niềm đam mê Lịch sử.
Sáng tạo thứ nhất là Kiến tạo ý tưởng: chủ đề “Em yêu Lịch sử quê em” qua hình thức dạy học dự án và hoạt động trải nghiệm.
Từ kiến thức lịch sử dân tộc, cô đã lựa chọn các chủ đề lịch sử địa phương ngay tại quê hương Long Biên. Ban đầu, cô cũng gặp không ít khó khăn với muôn ngàn lí do của trò như: con còn bận học môn khác, không có ai đưa con đi lấy tư liệu được… Nhưng cô không từ bỏ, tôi vẫn quyết tâm vì muốn học sinh yêu thích lịch sử không dễ chút nào, phải kiên trì, phải tâm huyết, khó khăn đâu, cô trò cùng tháo gỡ.
Cô đã giãn thời gian cho mỗi dự án, dành các tiết bổ trợ buổi chiều trên lớp để các em làm, cô phân công nhiệm vụ theo nhóm, chia việc cụ thể cho từng bạn. Thậm chí, cô đi cùng các con, liên hệ với chính quyền địa phương, gặp gỡ cụ Từ trong đình, hướng dẫn quay phim, viết bài, sửa bài, thu âm, lồng tiếng để có sản phẩm rất hay và ý nghĩa.
Các em thực sự trở thành
“Công dân toàn cầu” làm chủ kiến thức, làm chủ công nghệ, phù hợp với thời đại mới.
Chính ngọn lửa đam mê lịch sử trong cô đã lan tỏa đến các em học sinh, giúp các em học sinh trở thành những Phóng viên nhí, giới thiệu chính nhân chứng lịch sử là ông nội của học sinh - ông Nguyễn Huy Đan - Nguyên Phó Tổng biên tập báo Lao động.
Gia đình ông cư trú ở tổ 13 phường Gia Thụy, ông là chủ biên cuốn sách
Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Gia Thụy, lại được ông cung cấp thêm những bức ảnh quý giá mà chính gia đình ông năm 1972 đã bị bom B52 vùi lấp. Các bạn rất chăm chú lắng nghe, hóa ra lịch sử chẳng có gì xa xôi mà nó gần gũi, rất thân quen với tất cả các con. Rồi còn bình luận, nhận xét sản phẩm của nhóm bạn qua phiếu tiêu chí đánh giá như thế này. Cô không chỉ đánh giá bằng điểm thưởng, mà dành nhiều lời khen cho năng khiếu của trò.
Đến ngày thu trái ngọt, cô rất vui vì có 1 dự án đã được đưa vào đề tài nghiên cứu tích hợp vận dụng kiến thức liên môn đã đạt
Giải Ba cấp Quốc gia.
Cô Phượng đã cùng tham mưu với Ban giám hiệu nhà trường tổ chức các buổi học thực nghiệm, ngoại khóa, đưa học sinh đi tham quan các điểm di tích.
Đó là con đường ngắn nhất giúp các em thấy yêu lịch sử, hiểu lịch sử 1 cách tự nhiên, tự ngấm, nhớ lâu và có sức lan tỏa lớn bằng những việc làm thiết thực.
Đại diện BGH, công đoàn nhà trường chụp ảnh cùng cô Phượng và BKG của Hội đồng xét duyệt
Sáng tạo thứ hai: Cô Phượng đã cùng đồng nghiệp x
ây dựng “Lớp học vui vẻ” vào các tiết dạy học Lịch sử qua
cách tổ chức “Học mà chơi, chơi mà học”. Đó là thay đổi không khí lớp học bằng hình thức sân khấu hóa, các em tự chuẩn bị các tiểu phẩm ngắn và diễn trên lớp. Hay việc phát huy năng lực học sinh làm những sản phẩm sáng tạo tái chế thân thiện với môi trường. Nhất là tổ chức những trò chơi tương tác vừa tạo hứng thú, kích thích sự tò mò, ham học hỏi của các em, như Ai nhanh tay hơn, Ai là triệu phú, và những bài tập tương tác trên phần mềm Padlet, liveworksheet, Quizizz trong thời kỳ khó khăn cô trò phải học online. Từ đó, biến giờ học Lịch sử không nhàm chán, nặng nề, khô khan, mà kết hợp đổi mới kiểm tra đánh giá học sinh rất hiệu quả.
Sáng tạo Thứ ba: Cô Phượng xây dựng và tham gia các nhóm
“Nhà giáo cùng nhau phát triển” và “Lan tỏa niềm đam mê Lịch sử”.
Với vai trò là một tổ phó chuyên môn, cô và các đồng nghiệp luôn quan tâm đến việc nâng cao chất lượng sinh hoạt nhóm chuyên môn. Không để những buổi sinh hoạt chuyên môn mang tính hình thức, tổ nhóm làm việc nghiêm túc, chia sẻ những chuyên đề với các thầy cô trong toàn quận, như đổi mới sinh hoạt nhóm chuyên môn và tham gia diễn đàn mạng, nâng cao hiệu quả chất lượng thi vào lớp 10, dạy học theo hướng phát triển phẩm chất năng lực học sinh.
Trường học kết nối, lớp học không biên giới được lập nên đã có sức lan tỏa tới nhiều trường bạn.
Cô Nguyễn Thị Phượng còn lan tỏa niềm đam mê lịch sử tới các thế hệ học trò. Chỉ tính trong 3 năm gần đây, bằng sự tâm huyết, sáng tạo, vừa là người nhóm lửa, giữ lửa, và truyền lửa gắn bó với đội tuyển học sinh giỏi cấp Quận, cô đã có một phần thưởng xứng đáng, với 20 học sinh đoạt giải học sinh giỏi môn Lịch sử cấp Thành phố; hàng chục học sinh đỗ vào lớp chuyên trường Khoa học Xã hội và Nhân văn, chuyên Hà Nội Ams, chuyên Chu Văn An. Thành tích của các em là món quà, là nguồn động viên lớn nhất đối với cô. Cô luôn nhắc nhở mình làm theo lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho các thầy, cô giáo: “
Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức... Thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu nhất là đối với trẻ con”. Thực hiện tâm niệm của Người, cô tiếp tục không ngừng đổi mới và sáng tạo trong dạy học.
Với ngọn lửa nhiệt huyết và sự sáng tạo không ngừng trong công tác giáo dục, cô luôn là tấm gương sáng cho các đồng nghiệp học tập và noi theo. Cô xứng đáng là tấm gương tiêu biểu, điển hình “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo”- một tấm gương sáng, tấm gương đạo đức hết lòng vì sự nghiệp trồng người cho thế hệ mai sau của trường THCS Gia Thụy nói riêng và ngành giáo dục Quận Long Biên nói chung. Xin kính chúc cô cùng tập thể trường THCS Gia Thụy tiếp tục đạt được kết quả cao trong các kỳ thi sắp tới và vững bước vươn lên trong sự nghiệp trồng người, xứng đáng với niềm tin của nhân dân địa phương, luôn giữ vững danh hiệu là lá cờ đầu trong ngành giáo dục Quận Long Biên.