Trước khi quyết định lựa chọn nội dung, đối tượng thực hiện phương pháp này, cả tổ Xã hội và nhóm Văn 8 đã họp thống nhất và phân công hai đồng chí Nguyễn Thu Thủy và Phùng Thị Hồng Thanh thực hiện ở lớp 8A5, 8A8. Các đồng chí cùng thống nhất nội dung cùng thực hiện bài làm văn thuyết minh về một món ăn truyền thống của dân tộc. Thời gian để thực hiện bài làm cũng vào thời gian chuẩn bị đón Tết nguyên Đán nên rất thuận lợi cho các em học sinh cũng như các thầy cô thực hiện dự án.
Sau khi đã thống nhất được nội dung và đối tượng thực hiện, hai đồng chí triển khai thực hiện với đồng tình của Ban giám hiệu nhà trường, tổ chuyên môn, nhóm Văn 8 và các bậc cha mẹ học sinh của hai lớp. Điều thú vị là khi bắt đầu thực hiện ý tưởng theo hướng đổi mới này, các em học sinh vô cùng hào hứng, các em được trực tiếp đi chợ, sắp xếp đồ, vào bếp nấu ăn, trình bày, trang trí và thể hiện tài năng của mình rồi ghi lại tất cả các công đoạn bằng các đoạn video clip có lời thuyết minh cụ thể. Với cách làm này, các em được làm việc theo nhóm, được trao đổi và học hỏi lẫn nhau. Qua đây, các em phát triển thêm được kĩ năng hợp tác, làm việc nhóm và khả năng làm chủ mọi tình huống một cách linh hoạt, sáng tạo, giúp cho các em tự tin hơn rất nhiều, nhất là với những đối tượng học sinh còn nhút nhát, ít hòa đồng.
Ngày 22/3, đồng chí Phùng Thị Hồng Thanh đã thực hiện chuyên đề báo cáo trước tổ về kết quả thực hiện dự án. Tuy đây là môn học khó và bài làm cũng rất công phu, sự đánh giá cần đòi hỏi phải rất khách quan, công bằng và cần nhiều minh chứng cụ thể. Tuy vậy, dự án cũng đem đến cho các thành viên trong nhóm Văn 8 và tổ Xã hội những cách làm mới mẻ bổ ích, vận dụng cho những tiết học đòi hỏi phải có nhiều kiến thức thực tế. Chuyên đề này tuy thực hiện rất vất vả và mất nhiều thời gian nhưng thành công chúng tôi thu được chính là những niềm vui sau các buổi ghi hình, làm việc nhóm và đặc biệt là sự đánh giá, tin tưởng của các bậc phụ huynh học sinh, phát huy được tính tích cực, chủ động của học sinh trong việc lĩnh hội kiến thức.