Trong buổi họp chuyên môn nhóm Ngữ Văn 7, tuần 29, đồng chí Nguyễn Thu Thủy cùng toàn bộ các thầy cô giáo dạy môn Ngữ Văn lớp 7 đã sôi nổi thảo luận tiến trình dạy tiết học: Hành trình di sản- đi tìm những vùng đất lịch sử, văn hóa Việt Nam.
Đến dự và chỉ đạo chuyên môn có đồng chí Phó hiệu trưởng nhà trường Phạm Thị Hải Vân.
Các thầy, cô giáo đã thống nhất: Việt Nam là một đất nước có bề dầy lịch sử, truyền thống văn hóa đậm bản sắc dân tộc và rất đáng tự hào. Đi khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam, nơi đâu cũng có những di sản. Vậy làm thế nào để qua tiết học, các thầy cô khơi dậy cho các em tình yêu mến, trân trọng và gìn giữ các di sản này?
Trước hết, qua những hoạt động và phương pháp hiệu quả, tiết học sẽ giúp các em biết các di sản văn hóa, phân biệt được di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể. Các di sản tiêu biểu của 3 miền Bắc, Trung, Nam.
- Di sản văn hóa là sản phẩm vật chất và tinh thần có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học được lưu truyền từ đời này sang đời khác.
- Có 2 loại di sản văn hóa, đó là:
+ Di sản phi vật thể: là những sản phẩm tinh thần có giá trị về lịch sử, văn hoá, khoa học được lưu giữ bằng trí nhớ, chữ viết, truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức lưu giữ, lưu truyền khác.
+ Di sản văn hóa vật thể: là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, bao gồm các Di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, các di vật cổ vật, bảo vật quốc gia.
Sau đó, thông qua các clips, các tư liệu ảnh và bài viết học sinh sưu tầm, giáo viên hướng dẫn trao đổi thảo luận nhóm để học sinh thấy được ý nghĩa và sự cần thiết phải bảo vệ di sản văn hóa, biết yêu quý, giữ gìn, bảo vệ, tôn tạo những di sản văn hóa.
Cuối cùng, học sinh sẽ đóng vai là hướng dẫn viên du lịch để giới thiệu đến du khách một di sản văn hóa ở thủ đô Hà Nội.
Tiết học Ngữ văn này sẽ là hoạt động liên môn bổ ích với bộ môn Giáo dục công dân mà các em cũng đã được học trong chương trình lớp 7.