Sau khi hội ý, cô giáo Bùi Thị Phương đã xung phong chuẩn bị bài dạy minh họa vào tiết 10, bài 8: Các loại rễ, các miền của rễ. Cô Phương cùng các thầy cô giáo trong nhóm Sinh đã cùng nhau nghiên cứu, trao đổi chuẩn bị bài học và thống nhất phương pháp thực hiện. Bài học được chia ra làm hai nội dung chính là các loại rễ và các miền của rễ. Ở phần một, yêu cầu HS biết và phân biệt được hai loại rễ chính là rễ cọc và rễ chùm, yêu cầu các nhóm tự chuẩn bị cây cải, cây thì là, cây hành hoa, cây tỏi tây, cây cần tây...Chia lớp làm 4 nhóm, trình bày suy nghĩ ý tưởng khi thảo luận về cách chia cây thành hai nhóm căn cứ vào cấu tạo của rễ. Phần hai yêu cầu HS hiểu và phân biệt được cấu tạo và chức năng của các miền của rễ thông qua thông tin, hình ảnh SGK.
Sau quá trình chuẩn bị, vào ngày 20/9/2019 tại lớp 6A6 cô giáo Bùi Thị Phương đã dạy minh họa tiết 10, bài 8: Các loại rễ, các miền của rễ. Đến dự tiết chuyên đề có đồng chí Phạm Thị Hải Vân – Phó hiệu trưởng nhà trường cùng các giáo viên trong nhóm Sinh và các giáo viên trong tổ Hóa – Sinh – Địa.
Khi tiết học kết thúc, Ban giám hiệu cùng cô Phương và các thầy cô trong nhóm sinh đã thảo luận, rút kinh nghiệm sau tiết dạy.
Nhóm sinh thảo luận rút kinh nghiệm
Nhìn chung, cô giáo Bùi Thị Phương đã chuẩn bị bài rất chu đáo, bài giảng của cô đáp ứng đủ các yêu cầu cơ bản của một giáo án môn Sinh, thể hiện rõ đặc trưng bộ môn, khai thác được triệt để các kiến thức trong SGK, phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của HS; GV có kĩ năng CNTT tốt, tiết học sinh động, lí thú với HS bởi các tư liệu phong phú, các mẫu vật học sinh chuẩn bị như cây cải, cây tỏi tây, cây hành hoa, cây thì là, cây rau dền…. Trong tiết học này, học sinh các nhóm thảo luận rất tích cực, tự tin trình bày ý kiến trước tổ và trước lớp. Qua việc nghiên cứu các loại rễ, cấu tạo và chức năng của rễ giáo viên đã liên hệ các kiến thức thực tế trong trồng lúc, trông rau, quả…Tiết học thực sự đã mang lại nhiều kiến thức bổ ích, giúp cho các em học sinh lớp 6 mới làm quen với bộ môn sinh học càng thêm yêu thích bộ môn. Qua tiết học này các em học sinh đã có thể tự phân biệt được cây có rễ cọc và cây có rễ chùm, biết được vai trò quan trọng của rễ cây đối với việc bảo vệ đất - chống xói mòn, nâng cao ý thức bảo vệ thực vật.
Sau tiết dạy, nhóm thống nhất một số hoạt động trong tiết học cần điều chỉnh. Thứ nhất, trong phần hoạt động nhóm ở nội dung một, thay vì cho các nhóm chuẩn bị mẫu vật thì nhóm thống nhất yêu cầu các nhóm cùng chuẩn bị chung mẫu vật để lúc nhận xét làm việc của các nhóm được công bằng, hiệu quả và triệt để. Thứ hai, để phát huy hơn nữa năng lực của học sinh, nội dung hai các miền của rễ thay vì đọc thông tin SGK thì tổ chức hoạt động ghép nối cấu tạo phù hợp với chức năng các miền của rễ để giúp học sinh khắc sâu thêm kiến thức.
Tiết chuyên đề sẽ được triển khai đến các giáo viên dạy Sinh học khối 6 trong toàn trường. Dựa trên kết quả thảo luận và những điều đã quan sát, học tập được, từng GV vận dụng linh hoạt để đổi mới hoạt động dạy học ở lớp mình một cách hiệu quả.