Trong số cây bút viết cho các em từ những năm chống Mỹ cứu nước đến nay, Trần Hoài Dương chọn một lối đi riêng. Lấy đề tài từ cuộc sống đời thường nhưng truyện không bình thường; ngôn ngữ tinh tế giàu chất thơ; nhân vật mang đặc điểm tâm lý của cả miền Bắc và miền Nam đất nước; truyện nào cũng có chút ít kỳ lạ mà vẫn hợp lý; nhiều chuyện có tứ bất ngờ, độc đáo...
Truyện “Lá non” ở một góc độ khác cũng khơi dậy tình cảm tuổi thơ thành phố đối với thiên nhiên cây cỏ. Trang yêu thích nhiều loại cây, thích nhất vẫn là cây long não. Bị ốm nằm viện 2 tháng, lắm lúc buồn nản nhưng nhờ bạn bè và cây long não, nỗi buồn nguôi ngoai. Tới một hôm, bất ngờ cả đám bạn thân kéo đến bệnh viện và tặng Trang một nhành... long não! “Lẫn trong lá là những chùm hoa li ti thơm ngào ngạt. Trang áp mặt vào cành long não, hít một hơi thật dài, toàn thân Trang tràn ngập một cảm giác lâng lâng dịu mát, tràn trề hương thơm của mùa xuân”.
Từng chữ đem lại cho tôi cảm giác yêu đời... Tôi nhận ra đây là những khơi gợi vun đắp nên tấm lòng nhân hậu, tin yêu”. Khen thế kể cũng dễ hiểu. Có lần, Trần Hoài Dương tự bạch về nghề cho biết, ông đến với văn học thiếu nhi như đến với một thứ Đạo, nhờ đó nhà văn đem lại cái đẹp cho cuộc đời , đem lại lòng yêu thương và niềm vui cho trẻ nhỏ! Trần Hoài Dương yêu thiên nhiên đến mức say đắm. Tình yêu đó, tác giả dày công truyền cho bạn đọc nhỏ tuổi. Dưới ngòi bút của nhà văn, thiên nhiên có hồn, thiên nhiên rất mỡ màng, hồn nhiên… Có lẽ, ít có nhà văn nào tả cảnh thiên nhiên hoa lá, cây cối, mây trời…một cách tinh tế, tươi non, thơ mộng, giàu mỹ cảm đến thế. Thiên nhiên đẹp lên nhiều lần, trẻ thơ đẹp lên nhiều lần ở tất cả mọi trang văn của Trần Hoài Dương. Văn của ông thấm đượm chất trữ tình và giàu chất thơ, đậm yếu tố lãng mạn và tinh thần nhân đạo. Không quan tâm nhiều đến những cảnh ồn ào, sôi động, ly kỳ, gây cười vốn dễ lôi cuốn trẻ nhỏ, nhà văn tập trung khai thác nội tâm, quan hệ tình cảm và miêu tả thiên nhiên. Nhiều truyện của anh giống như những bài thơ văn xuôi. Ngay cả những truyện tưởng như không gợi cho bạn đọc liên hệ ngay đến bài thơ thì chất thơ cũng ẩn hiện đây đó trên những câu văn, đoạn văn. Trần Hoài Dương mất đi, để lại một tấm gương về nhân cách nhà văn, một bài học về niềm say mê sáng tạo phục vụ khu vực bạn đọc tượng trưng cho cái đẹp tơ non, trong trẻo.