Đất nước Việt Nam có một nền văn hóa đặc sắc, lâu đời gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc. Bản sắc văn hóa Việt được thể hiện ở nhiều lĩnh vực trong đời sống, xã hội, trong đó có lễ hội truyền thống. Lễ hội cổ truyền là những mốc đánh dấu chu trình đời sống sản xuất và đời sống xã hội của mỗi cộng đồng người. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, thời gian diễn ra các lễ hội không giống nhau nhưng thường là sau một năm, một mùa vụ thu hoạch lớn. Lễ hội có thể diễn ra trước hoặc sau. Nếu diễn ra trước nó như một nghi lễ cho sự khởi đầu để các hoạt động tiếp sau được diễn ra. Còn nếu diễn ra sau thì sẽ là lễ cảm tạ các đấng thần linh, người đã có công gây dựng, phù hộ… cho người dân được mưa thuận gió hòa, yên ổn làm ăn. Đây cũng là thời điểm người dân có nhu cầu được nghỉ ngơi, nhìn lại thành quả lao động sau một chu kỳ sản xuất. Lễ hội truyền thống đã và đang tồn tại từ bao đời nay mang trong mình bản sắc dân tộc như giá trị tự thân, bắt rễ sâu vào đời sống, tâm thức, tâm linh của con người. Những giá trị đó khẳng định một phần văn hóa không thể thiếu trong cuộc sống ngày hôm nay. Đó là niềm tự hào, tự tôn văn hóa dân tộc đã được hun đúc và thử thách qua thời gian. Tất cả những điều thú vị đó được thể hiện trong cuốn sách “Giới thiệu các Lễ hội Việt Nam”.
Để khám phá và tăng sự hiểu biết về những lễ hội truyền thống văn hóa dân tộc, tôi đã tự tìm cho mình một cuốn sách vô cùng bổ ích và có thể cung cấp cho ta những kiến thức cần có về những lễ hội mang bản sắc văn hóa dân tộc. Các bạn có thể tìm cuốn sách ấy ở thư viện trường Trung học Cơ sở Gia Thụy. Trong cuốn sách, bạn có thể tìm hiểu về các lễ hội và văn hóa trên khắp mọi miền đất nước Việt Nam.